THỐNG KÊ TRUY CẬP

Một số vấn đề về giới hạn của việc xét xử

Đinh Văn Quế

Ngày 26-11-2003, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XI đã thông qua Bộ luật tố tụng hình sự (Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003). So với Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, thì Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 có nhiều quy định mới, hoặc sửa đổi, bổ sung, trong đó vấn đề giới hạn của việc xét xử cũng được sửa đổi, bổ sung.

Giới hạn là phạm vi, mức độ nhất định, không thể hoặc không được phép vượt qua.1

Nếu giới hạn là phạm vi, mức độ nhất định, không thể hoặc không được vượt qua thì giới hạn của việc xét xử cũng phải được hiểu là phạm vi, mức độ nhất định, mà Toà án không thể hoặc không được vượt qua.

Khi nói đến giới hạn của việc xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng thường nghĩ ngay đến quy định tại điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 (nay là điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003) mà ít khi nghĩ đến phạm vi xét xử.

Theo quy định tại Điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì “Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử. Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố”. Đây là giới hạn của việc xét xử hiểu theo nghĩa hẹp và cũng chủ yếu đối với Toà án cấp sơ thẩm.

Nếu hiểu theo nghĩa rộng thì giới hạn của việc xét xử  không chỉ bao gồm nội dung của Điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự, mà còn bao gồm cả nội dung về phạm vi, thẩm quyền xét xử của Toà án theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Ví dụ: Theo quy định tại khoản 1 Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự, thì Toà án nhân dân cấp huyện và Toà án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phạm phá hoại hoà bình, chống loài người và các tội phạm chiến tranh; các tội phạm quy định tại các Điều 93, 95, 96, 172, 216, 217, 218, 219, 221, 222, 223, 224, 225, 226, 263, 293, 294, 295, 296, 322 và 323 của Bộ luật hình sự. Theo quy định này thì Toà án cấp huyện không thể xét xử vượt quá phạm vi quy định tại khoản 1 Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự.

Theo quy định tại Điều 241 về phạm vi xét xử phúc thẩm thì, Tòa án cấp phúc thẩm xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án. Việc xem xét các phần không bị kháng cáo, kháng nghị cũng phải theo quy định của pháp luật, không thể tuỳ tiện.

Khi xét xử giám đốc thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm cũng chỉ có thể không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật; hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án ; hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại, mà không được sửa bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc không được huỷ bản án phúc thẩm để giữ nguyên bản án sơ thẩm như trước đây.

Giữa Toà án nhân dân với Toà án quân sự phạm vi xét xử cũng khác nhau. Theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh tổ chức Toà án quân sự thì Toà án quân sự có thẩm quyền xét xử những vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công nhân, nhân viên quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu, dân quân tự vệ phối thuộc chiến đấu với quân đội và những người được trưng tập làm nhiệm vụ quân sự do các đơn vị quân đội trực tiếp quản lý và những người tuy không thuộc các đối tượng trên nhưng hành vi phạm tội của họ có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho quân đội.

Như vậy khái niệm giới hạn của việc xét xử là một khái niệm được hiểu cả theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này nhằm đáp ứng kịp thời cho việc nhận thức thống nhất về quy định tại điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự  của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 chúng tôi chỉ đề cập đến giới hạn của việc xét xử theo nghĩa hẹp.

Căn cứ vào cách hành văn của điều luật, thì nột dung của điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự bao gồm:

- Toà án chỉ xét xử những bị cáo mà Viện kiểm sát đã truy tố và Toà án đã quyết định đưa ra xét xử;

- Toà án chỉ xét xử những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố và Toà án quyết định đưa ra xét xử. Toà án có thể xét xử bị cáo theo điều khoản khác với điều khoản mà Viện kiểm sát truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội danh khác bằng hoặc nhẹ hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố.

Về nội dung thứ nhất không có ý kiến khác nhau vì không Toà án nào lại đưa ra xét xử một người mà Viện kiểm sát không truy tố. Tuy nhiên, nội dung thứ hai về lý luận cũng như thực tiễn xét xử còn có những quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, Toà án không được kết án bị cáo về một tội phạm khác (tội danh khác) nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố. Ví dụ: Viện kiểm sát truy tố bị cáo về tội cố ý gây thương tích, thì Toà án không được kết án bị cáo về tội giết người. Nhưng Toà án án lại có quyền kết án bị cáo về tội bằng hoặc nhẹ hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố. Ví dụ: Viện kiểm sát truy tố bị cáo về tội giết người, Toà án có thể kết án bị cáo về tội cố ý gây thương tích hoăc tội vô ý làm chết người. Tương tự như vậy, Toà án có thể kết án bị cáo theo điều khoản khác với điều khoản mà Viện kiểm sát truy tố trong cùng một điều luật. Tuy nhiên, Toà án không chỉ kết án bị cáo theo điều khoản của Bộ luật hình sự nhẹ hơn với điều khoản mà Viện kiểm sát truy tố trong cùng một điều luật, mà còn có thể kết án bị cáo về điều khoản nặng hơn với điều khoản mà Viện kiểm sát truy tố trong cùng một điều luật. Các quy định mới này cũng xuất phát từ thực tiễn xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương hướng dẫn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 và trong nhiều năm qua, nó được thực hiện như là một quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 chỉ “pháp điển hoá” hướng dẫn trước đây mà thôi.

 Quan điểm thứ hai cho rằng, quy định tại Điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự là chưa phù hợp với thực tiễn xét xử. Ví dụ: Một người phạm tội giết người, nhưng Viện kiểm sát chỉ truy tố về tội cố ý gây thương tích, tại phiên toà sau khi xét hỏi Hội đồng xét xử xác định bị cáo phạm tội giết người, Kiểm sát viên cũng thừa nhận bị cáo phạm tội giết người nhưng Toà án bắt buộc phải tuyên bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích. Mọi người dự phiên toà không hiểu nổi vì sao người giết người lại chỉ bị kết án về tội cố ý gây thương tích. Trong trường hợp này rõ ràng người kết tội bị cáo không phải Toà án mà là Viện kiểm sát. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn chưa giải quyết được sự bất hợp lý trong trường hợp này, các điều luật khác của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 cũng không có quy định nào giải quyết các trường hợp bất hợp lý này.

Đa số ý kiến cho rằng, Viện kiểm sát chỉ truy tố hành vi phạm tội của bị cáo ra Toà án còn việc kết án bị cáo về tội gì là do Hội đồng xét xử quyết định sau khi đã xem xét các tình tiết của vụ án một cách công khai tại phiên toà, đúng như tinh thần tranh tụng mà Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề ra “việc phán quyết của Toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà”.

Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng, quy định tại Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 như vậy là chính xác và đầy đủ, không nhất thiết phải quy định thêm như Điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 vừa không đầy đủ vừa mâu thuẫn ngay chính nội dung đã quy định ở trên là “Toà án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố và Toà án đã quyết định đưa ra xét xử”. Toà án chỉ xét xử… lại còn cho phép xét xử tội danh bằng hoặc nhẹ hơn… Vì vậy, theo quan điểm này, vấn đề là giải thích và hiểu như thế nào cho đúng chứ không cần quy định khác.

Khi quy định, Toà án chỉ xét xử thì cần phải hiểu rằng Toà án không thể xét xử một người mà mà Viện kiểm sát không truy tố, còn việc Toà án quyết định như thế nào đối với người bị đưa ra xét xử là phải căn cứ vào các tình tiết khách quan của vụ án đối chiều với các quy định của Bộ luật hình sự. Toà án chỉ xét xử những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố, tức là ngoài những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố thì Toà án không được xét xử những hành vi mà Viện kiểm sát không truy tố. Ví dụ: Viện kiểm sát truy tố bị cáo về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài tài sản với tổng số tiền là 500.000.000 đồng, thì Toà án chỉ được xét xử bị cáo về hành vi chiếm đoạt 500.000.000 đồng. Khi xét xử về hành vi này Toà án thấy không phải bị cáo phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, mà phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì Toà án vẫn có thể kết án bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Toà án xét xử và Toà án quyết định (kết án) là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1989 và Điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 chỉ quy định: “Toà án chỉ xét xử” chứ không quy định “Toà án chỉ được kết án”. Do đồng nhất hai khái niệm xét xử với kết án nên đã dẫn đến việc hiểu không đúng tinh thần của điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự 1989 và Điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Chúng tôi thấy ý kiến này có nhân tố hợp lý, nhưng nếu phải hiểu như ý kiến này thì cách hành văn tại Điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 như hiện nay là không rõ ràng, khó hiểu vẫn cần phải sửa lại theo hướng:“Toà án chỉ đưa ra xét xử những bị cáo mà hành vi phạm tội của họ bị Viện kiểm sát truy tố. Việc kết án bị cáo phạm tội gì do Toà án quyết định”. Hy vọng khi có điều kiện, các nhà làm luật quan tâm đến vấn đề này một cách triệt để hơn.

Tuy nhiên, trong khi chưa có giải thích hoặc hướng dẫn mới theo quan điểm thứ hai; căn cứ vào hướng dẫn trước đây cũng như thực tiễn xét xử cần phải rõ một số vấn đề sau:

 1. Thế nào là những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử ?

Một người hoặc nhiều người cùng phạm tội, có thể chỉ thực hiện một hành vi khách quan nhưng cũng có thể thực hiện nhiều hành vi khách quan. Vì vậy, khi xác định giới hạn của việc xét xử cần phân biệt:

- Nếu chỉ có một người phạm tội và chỉ thực hiện một hành vi khách quan thì việc xác định hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Toà án quyết định đưa ra xét xử căn cứ vào hành vi mà người phạm tội thực hiện với hành vi mà Viện kiểm sát truy tố về một tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự và Toà án quyết định đưa ra xét xử để xác định giới hạn của việc xét xử. Ví dụ: Nguyễn Văn C lén lút vào nhà anh Lại Văn S lấy đi một chiếc  ti vi hiệu Samsung có giá trị 3.000.000 đồng. Viện kiểm sát truy tố Nguyễn Văn C về hành vi chiếm đoạt chiếc ti vi của anh Lại Văn S theo tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 điều 138 Bộ luật hình sự và Toà án cũng quyết định đưa Nguyễn Văn C ra xét xử về hành vi chiếm đoạt chiếc ti vi này về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 điều 138 Bộ luật hình sự mà Viện kiểm sát đã truy tố và Toà án cũng chỉ xét xử Nguyễn Văn C về hành vi chiếm đoạt chiếc ti vi này theo tội trộm cắp tài sản là đúng với quy định tại điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự.

- Trường hợp tuy chỉ có một người phạm tội nhưng lại thực hiện nhiều hành vi khách quan thì việc xác định hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Toà án quyết định đưa ra xét xử chỉ căn cứ vào hành vi mà Viện kiểm sát truy tố về một tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự  và Toà án quyết định đưa ra xét xử để xác định giới hạn của việc xét xử. Ví dụ: A tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng và giết người, nhưng Viện kiểm sát chỉ truy tố A về tội giết người còn không truy tố A về tội tàng trữ trái phép vũ khí trái phép thì Toà án không được xét xử A về hành vi tàng trữ trái phép vũ khí trái phép. Nếu Toà án thấy việc Viện kiểm sát không truy tố A về hành vi tàng trữ trái phép vũ khí trái phép thì chỉ có thể quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và yêu cầu Viện kiểm sát truy tố A về hành vi tàng trữ trái phép vũ khí trái phép; trường hợp đã trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung mà Viện kiểm sát vẫn không truy tố thì Toà án chỉ có thể kiến nghị trong bản án hoặc kiến nghị bằng văn bản với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp để Viện kiểm sát cấp trên xem xét việc không truy tố A về hành vi tàng trữ trái phép vũ khí trái phép mà Toà án yêu cầu.

- Trường hợp cũng chỉ có một người phạm tội và người này cũng thực hiện nhiều hành vi khách quan và tất cả những hành vi khách quan đó Viện kiểm sát chỉ truy tố về một tội, nhưng Toà án thấy trong các hành vi mà Viện kiểm sát truy tố có hành vi cấu thành tội khác với tội mà Viện kiểm sát truy tố thì Toà án được xét xử tất cả các hành vi mà Viện kiểm sát truy tố nhưng không được kết án tất cả các hành vi đó về một tội và cũng không được kết án thêm tội mà Viện kiểm sát không truy tố. Ví dụ: B bị Viện kiểm sát truy tố về tội tham ô tài sản vì đã 5 lần cùng với C chiếm đoạt 800.000.000 đồng của cơ quan, nhưng Toà án thấy hành vi của B chỉ đồng phạm với C về tội tham ô 3 lần với số tiền là 500.000.000 đồng, còn 2 lần là hành vi thiếu trách nhiệm để C chiếm đoạt 300.000.000 đồng. Trong trường hợp này, Toà án vẫn xét xử cả 5 hành vi nhưng chỉ được kết án B đồng phạm tham ô khoản 500.000.000 đồng về 3 hành vi nhưng không được kết án B về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước về khoản tiền 300.000.000 đồng. Nếu trong thời gian chuẩn bị xét xử hoặc tại phiên toà Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử phát hiện được thì trả hồ sơ vụ án để Viện kiểm sát điều tra bổ sung, thay đổi bản cáo trạng truy tố B thêm tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước về khoản tiền 300.000.000 đồng, nếu Viện kiểm sát không đồng ý thay đổi cáo trạng vẫn truy tố như cũ thì kiến nghị Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xem xét mà không được tuyên bố B không phạm tội tham ô về khoản 300.000.000 đồng.

- Trường hợp có nhiều người cùng thực hiện một hành vi phạm tội thì việc xác định giới hạn việc xét xử cũng tương tư như trường hợp một người thực hiện một hành vi phạm tội. Nếu có người nào chưa bị Viện kiểm sát truy tố thì Toà án trả hồ sơ vụ án để Viện kiểm sát điều tra bổ sung truy tố thêm người phạm tội; nếu đã trả hồ sơ vụ án mà Viện kiểm sát vẫn không thay đổi cáo trạng (không truy tố thêm) thì Toà án chỉ được xét xử những người mà Viện kiểm sát đã truy tố và kiến nghị cấp Giám đốc thẩm xem xét.

- Trường hợp nhiều người cùng thực hiện nhiều hành vi phạm tội nhưng đều bị Viện kiểm sát truy tố về một tội thì khi xác định giới hạn việc xét xử cần căn cứ vào hành vi của từng người phạm tội cụ thể và vai trò tham gia của họ vào việc thực hiện tội phạm, mà không tách bạch hành vi cụ thể của từng người. Ví dụ: A, B, C và D cùng bàn bạc vào nhà anh H trộm cắp tài sản nhưng chỉ có C và D trực tiếp lén lút vào nhà anh H lấy tài sản, còn B tìm nơi tiêu thụ, A cung cấp phương tiện và trực tiếp vận chuyển tài sản trộm cắp được đi tiêu thụ thì tất cả A, B, C, D đều được coi là cùng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Nếu Toà án thấy trong số những người mà Viện kiểm sát truy tố có người không phạm tội trộm cắp tài sản mà chỉ phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì có thể kết án người đó về tội phạm mà Toà án xác định nhưng không được trái với quy định tại điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự (tội danh bằng hoặc nhẹ hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố).

- Trường hợp nhiều người trong cùng một vụ án bị truy tố về nhiều tội khác nhau thì phải căn cứ vào hành vi của từng người mà họ bị Viện kiểm sát truy tố và Toà án quyết định đưa ra xét xử để xác định giới hạn của việc xét xử như trường hợp đối với một người đã phân tích ở trên.

 2.  Thế nào là có thể xét xử bị cáo theo điều khoản khác với điều khoản mà Viện kiểm sát truy tố trong cùng một điều luật

Về vấn đề này, thực tiễn xét xử không vướng mắc, Toà án có thể xét xử bị cáo theo điều khoản nhẹ hơn hoặc nặng hơn điều khoản mà Viện kiểm sát truy tố trong cùng một điều luật. Ví dụ: Viện kiểm sát truy tố bị cáo A theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự nhưng Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, trong trường hợp Toà án xét xử bị cáo theo điều khoản nặng hơn điều khoản mà Viện kiểm sát truy tố trong cùng một điều luật thì cần chú ý:

- Nếu điều khoản mà Toà án định xét xử đối với bị cáo có khung hình phạt không thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cấp mình thì phải hoãn phiên toà, trả hồ sơ để Viện kiểm sát cùng cấp chuyển vụ án lên Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp truy tố bị cáo ra Toà án có thẩm quyền xét xử; không được trả hồ sơ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử, vì chưa xét xử thì chưa thể biết bị cáo có phạm tội theo điều khoản nặng hơn hay không.

- Nếu điều khoản mà Toà án định xét xử đối với bị cáo có khung hình phạt thuộc trường hợp phải cử người bào chữa cho bị cáo thì trước khi mở phiên toà, Toà án phải làm các thủ tục để bị cáo thực hiện quyền bào chưa của mình đúng theo quy định của pháp luật tố tụng.

 3.  Thế nào là Toà án xét xử về một tội danh khác bằng hoặc nhẹ hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố.

a. Tội danh khác bằng tội danh mà Viện kiểm sát truy tố

Trường hợp này ít xảy ra, vì một hành vi phạm tội mà cấu thành một tội danh khác mà tội danh �ó lại bằng tội danh mà Viện kiểm sát truy tố là rất hiếm; thông thường Toà án chỉ xét xử bị cáo về tội danh nhẹ hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố. Tuy hiếm nhưng về lý thuyết vẫn có thể xảy ra, vì vậy khi xác định tôi danh khác bằng tội danh mà Viện kiểm sát truy tố cần so sánh mức hình phạt thấp nhất và mức hình phạt cao nhất giữa hai tội, nếu mức hình phạt thấp nhất và mức hình phạt cao nhất của tội danh mà Viện kiểm sát truy tố bằng mức hình phạt thấp nhất và mức hình phạt cao nhất của tội danh mà Toà án định xét xử như nhau là bằng nhau. Ví dụ: Viện kiểm sát truy tố B về tội hành hạ người khác theo Điều 110 Bộ luật hình sự, nhưng Toà án xét xử bị cáo B về tội làm nhục người khác theo Điều 121 Bộ luật hình sự.

a. Tội danh khác nhẹ hơn  tội danh mà Viện kiểm sát truy tố

Trường hợp này thực tiễn xét xử tương đối phổ biến và việc so sánh giữa tội danh mà Viện kiểm sát truy tố với tội danh mà Toà án định xét xử, tội nào nặng, tội nào nhẹ cũng không phức tạp, chỉ cần căn cứ vào mức hình phạt thấp nhất hoặc mức hình phạt cao nhất giữa hai tội; nếu tội nào có mức hình phạt cao nhất thấp hơn là tội nhẹ hơn; nếu mức hình phạt cao nhất của hai tội bằng nhau thì mức hình phạt thấp nhất của tội danh nào thấp hơn là tội nhẹ hơn.

Khi xác định tội danh bằng hoăc nhẹ hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố cần chú ý:

Do điều luật quy định “tội danh” chứ không quy định “điều khoản của Bộ luật hình sự” hay quy định nên phải so sánh giữa hai điều luật quy định hai tội danh đó chứ không thể so sánh giữa điều khoản của Bộ luật hình sự mà Viện kiểm sát truy tố với điều khoản của Bộ luật hình sự mà Toà án định xét xử. Ví dụ: Viện kiểm sát truy tố A phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 3 điều 140 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm, nhưng Toà án thấy A phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 2 điều 139 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm. Tuy khung hình phạt quy định tại khoản 2 điều 139 Bộ luật hình sự nhẹ hơn khung hình phạt quy định tại khoản 3 điều 140 Bộ luật hình sự nhưng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tội danh năng hơn tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nên Toà án không thể xét xử bị cáo A về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được.

 


1 Từ điển tiếng Việt.NXB Đà nẵng. TR.390

Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, hãy ấn like để ủng hộ luật sư tư vấn

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
024 3233 6555
0934 585 568
  • Thành lập doanh nghiệp

    Hotline: 0934 585 568

  • Tư vấn đầu tư

    Hotline: 0983 209 629

Bạn đọc quan tâm
Dịch vụ
Đối tác - khách hàng