THỐNG KÊ TRUY CẬP

Tội tham ô tài sản

Tội tham ô tài sản thuộc nhóm các tội phạm về chức vụ được quy định tại Bộ luật hình sự năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ. Người có chức vụ nói trên đây là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về tội tham ô tài sản, luật sư chúng tôi xin phân tích những dấu hiệu pháp lý của tội này như sau:

  Chủ thểcủa tội phạm: Chủ thể của tội tham ô tài sản là chủ thể đặc biệt. Chỉ những người có những dấu hiệu đặc biệt đã được quy định tại Điều 278 BLHS 1999 mới có thể trở thành chủ thể của tội tham ô tài sản. Dấu hiệu đặc biệt ở đây là dấu hiệu có chức vụ, quyền hạn quản lý tài sản. Người có chức vụ, quyền hạn quản lý tài sản là người do đảm nhiệm những chức vụ hoặc chức trách nhất định trong công tác mà được giao tài sản để thực hiện nhiệm vụ, có thẩm quyền trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản đồng thời có trách nhiệm quản lý tài sản đó. Những người không có chức vụ, quyền hạn này chỉ có thể trở thành là đồng phạm tham ô với vai trò là người xúi giục, tổ chức hay giúp sức.

Trách nhiệm quản lý tài sản có thể là trách nhiệm quản lý gián tiếp do chức năng công tác giao cho một cách chính thức (như thủ trưởng cơ quan, giám đốc/tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước/có vốn nhà nước…), quản lý trên sổ sách, chứng từ (như Kế toán trưởng, phụ trách kế toán…) hoặc trách nhiệm trực tiếp (thủ kho, thủ quỹ). Trách nhiệm này có được là do chức trách, nhiệm vụ công tác được cơ quan, tổ chức giao cho một cách chính thức như: giữ một chức vụ nhất định (thủ trưởng cơ quan, đơn vị, trưởng phòng tài vụ, kế toán…); được giao thực hiện một công việc có tính độc lập có trách nhiệm trực tiếp đối với một khối lượng tài sản nhất định trong một khoảng thời gian nhất định (lái xe giao vận chuyển hàng hóa không có người áp tải, bảo vệ)....

Trách nhiệm quản lý tài sản cần được phân biệt với trách nhiệm bảo vệ đơn thuần của những người làm công việc bảo vệ ở cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước hay hợp tác xã. Những người này hoàn toàn không liên quan đến tài sản về mặt quản lý mà chỉ liên quan đến tài sản về mặt nghĩa vụ. Họ không thể là chủ thể của tội tham ô tài sản, trừ trường hợp cá biệt. Đó là trường hợp tuy chỉ là bảo vệ nhưng do đặc điểm của tài sản được bảo vệ, họ có khả năng tiếp cận trực tiếp với tài sản nên họ cũng được coi như người tạm thời quản lý tài sản khi người quản lý chính thức vắng mặt. Ví dụ: Bảo vệ bãi gỗ, bãi than, nông sản đang phơi/sấy…. Trong trường hợp này họ có thể trở thành chủ thể của tội tham ô tài sản.

  Khách thể của tội phạmđây là một trong các tội phạm về tham nhũng nghiệm trọng nhất trực tiếp xâm phạm đồng thời hai khách thể quan trọng là sự hoạt động đúng đắn, minh bạch của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh doanh của nhà nươc  xâm phạm quyền sở hữu tài sản của cơ quan nhà nước. Tham ô tài sản có thể nói là một trong những tội phạm gây thiệt hại nghiêm trọng nhất về tài sản cho Nhà nước và các tổ chức, làm thoái hóa, biến chất một bộ phận cán bộ có trách nhiệm quảm lý tài sản, gây phẫn nộ trong quần chúng nhân dân….

  Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội này được thể hiện ở hành vi của người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là sử dụng chức vụ, quyền hạn được giao như một phương tiện để biến tài sản người khác (cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có vốn nhà nước….) thành tài sản của mình hoặc của người khác.

Hành vi phạm tội của tội tham ô trước hết phải là hành vi chiếm đoạt. Đối tượng của hành vi chiếm đoạt là những tài sản mà người phạm tội được giao quản lý. Người phạm tội đã lợi dụng trách nhiệm quản lý tài sản được giao để chiếm đoạt tài sản mình đang quản lý. Thủ đoạn lợi dụng trách nhiệm quản lý tài sản này có thể rất khác nhau. Nhưng tất cả các thủ đoạn đó xét về mặt thực chất đều là sử dụng chức vụ quyền hạn được giao như điều kiện, phương tiện để có thể dễ dàng biến tài sản được giao thành tài sản của mình. Tuy nhiên, chúng ta cũng lưu ý rằng người phạm tội có thể có những thủ đoạn gian dối, nhưng những thủ đoạn này không phải là dấu hiệu bắt buộc trong mặt khách quan của tội này.

Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được thực hiện rất đa dạng, chúng ta có thể kể đến một số dạng như sau:

•  Sử dụng quyền hạn do chức trách, nhiệm vụ công tác được giao mà có để thực hiện không đúng chức trách, nhiệm vụ của mình hoặc làm trái các quy định về chế độ quản lý tài sản thuộc lĩnh vực công tác mà mình phụ trách như: chế độ quản lý tiền mặt, chế độ thu chi, sổ sách kế toán….và bằng cách đó để chiếm đoạt tài sản do mình có trách nhiệm quản lý.

•  Sử dụng quyền hạn vượt quá giới hạn cho phép nhưng có liên quan đến cương vị công tác để chiếm đoạt tài sản như: Kế toán tự động thu tiền quỹ rồi chiếm đoạt luôn số tiền đó, mà lẽ ra việc thu tiền thuộc nhiệm vụ của thủ quỹ….; dùng quyền quyết định của mình để tác động đến người khác ép họ đưa tài sản.

Tài sản bị chiếm đoạt phải là tài sản mà người phạm tội có trách nhiệm quản lý (trực tiếp hoặc gián tiếp). Đối tượng bị chiếm đoạt trong tội tham ô tài sản bao gồm: Tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, tài sản của các tổ chức (kinh tế, chính trị, chính trị xã hội), của tập thể, tài sản thuộc sở hữu của công dân nhưng đang thuộc sự quản lý tạm thời hợp pháp (trực tiếp hoặc gián tiếp) của người có chức vụ, quyền hạn. Một số đối tượng như: ma túy, chất nổ, phương tiện kỹ thuật quân sự, vũ khí quân dụng,….do tính chất và công dụng đặc biệt nên không phải là đối tượng của tội tham ô tài sản mà là đối tượng của hành vi phạm tội khác. Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt các đối tượng này sẽ cấu thành các tội phạm tương ứng quy định ở các Điều khác của Bộ luật hình sự.

Hành vi chiếm đoạt tài sản chỉ cấu thành tội phạm nếu tài sản đó có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên. Nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới 2 triệu đồng, thì hành vi này chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

•  Gây hậu quả nghiêm trọng: Là hành vi tham ô tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng đã gây thiệt hại nghiêm trọng khác ngoài giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Hậu quả nghiêm trọng có thể là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình đốn hoặc bị cản trở, hoạt động tác nghiệp của tổ chức xã hội không thực hiện được hay trường hợp do chiếm đoạt một số thuốc chữa bệnh để chữa bệnh cho nhân dân vùng cao đang bị dịch bệnh đã làm chết người do không đủ thuốc.....

•  Người chiếm đoạt đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm. Ví dụ: Lần thứ nhất chiếm đoạt năm trăm nghìn đồng (hành vi này không cấu thành tội tham ô tài sản) đã bị cơ quan xử lý kỹ luật nhưng họ lại chiếm đoạt lần thứ hai cũng với giá trị tài sản dưới 2 triệu đồng thì đủ dấu hiệu cấu thành tội tham ô tài sản.

•  Người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng trước đó người đó đã bị kết án về một trong các tội quy định từ Điều 278 đến Điều 284 của Bộ luật hình sự chưa xóa án tích.

Tội tham ô tài sản là tội phạm có cấu thành vật chất. Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm kẻ phạm tội chiếm đoạt được tài sản. Thời điểm tài sản bị chiếm đoạt được xác định căn cứ vào đối tượng bị chiếm đoạt và chức năng, nhiệm vụ của người quản lý tài sản tùy từng trường hợp cụ thể: từ lúc cất giấu tài sản ở nơi kín đáo để sau đó đưa ra ngoài, từ lúc tài sản được đưa ra khỏi nơi cất giữ…..

  Mặt chủ quan của tội phạmĐối với tội phạm này người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Động cơ phạm tội là tư lợi.

  Hình phạt: Điều 278 Bộ luật hình sự 1999 quy định bốn khung hình phạt:

Khung 1: phạt tù từ hai năm đến bảy năm nếu người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

•  Gây hậu quả nghiêm trọng;

•  Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

•  Đã bị kết án về một trong các tội quy định từ Điều 278 đến Điều 284 của Bộ luật hình sự, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Khung 2: phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

•  Có tổ chức;

•  Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

•  Phạm tội nhiều lần;

•  Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

•  Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

Khung 3: phạt tù từ mười lăm năm đến  hai mươi năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

•  Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

•  Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

Khung 4: phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

•  Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

•  Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

Ngoài những hình phạt chính nêu trên thi bgười phạm tội còn bị áp dụng hình phạt bổ sung: bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, hãy ấn like để ủng hộ luật sư tư vấn

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
024 3233 6555
0934 585 568
  • Thành lập doanh nghiệp

    Hotline: 0934 585 568

  • Tư vấn đầu tư

    Hotline: 0983 209 629

Bạn đọc quan tâm
Dịch vụ
Đối tác - khách hàng